Luật nhân quả

vì sao tôi không tin luật nhân quả

Để ý thấy rất nhiều người trong chúng ta tin vào luật nhân quả. Ở đây tôi không nói về luật nhân quả (Causation) dưới dạng lý tính của vạn vật. Ví dụ như đun nước lên 100 độ ở bề mặt trái đất thì nước sẽ sôi. Nhân ở đây là điều kiện, sự có mặt của nước, ngọn lửa, áp suất, nhiệt độ…​ quả ở đây là sự sôi của nước. Điều này không có gì để bàn cãi. Dù bạn đun một trăm ấm nước, thì điều này luôn không thay đổi, vì thế ta có thể gọi nó là quy luật. Vì nó luôn đúng!

Cái tôi gọi là luật nhân quả trong bài viết này thường được mọi người nhắc đến theo dạng làm việc tốt sẽ được hưởng tốt. Làm hại người sẽ phải chịu khổ đau về sau. Giống như có tồn tại một cộng đồng luật sư, một tòa án cấp cao quy mô vũ trụ, một nhân vật, một vị thần sẽ giữ vũ trụ luôn công bằng cho mọi người.


Tính đúng sai

Nếu nhìn dưới dạng bản thể thì hoàn toàn không có căn cứ cho những quy luật này. Nhưng nếu nhìn dưới dạng tâm lý, vấn đề là rất rõ ràng. Luật nhân quả không phải một thứ có thật ngoài kia, tồn tại độc lập với con người. Nó là một thứ được tạo nên bởi con người, chính xác hơn là bởi cảm xúc của chúng ta.

Luật nhân quả là tiếng khóc than của con người trong một vũ trụ đầy những vật chất vô cảm và không có bổn phận phải quan tâm, chăm sóc cho họ.

Điều bắt buộc phải có để luật nhân quả tồn tại là tính đúng sai (right/wrong) của vạn vật. Vật chất không hề có tính đúng sai, một cơn gió bay qua làm lá lìa cành, chỉ đơn giản là hiện tượng gió thổi lá rơi. Nếu không có một ý thức nhận biết hiện tượng đó thì mọi thứ đến đây là hết. Chỉ đến khi có sự tồn tại của ý thức, hiện tượng gió thổi lá rơi được khoác thêm trên mình lớp áo cảm xúc, có chút buồn, lãng mạn. Ý thức trở nên đồng cảm với chiếc lá, với gió bay. Tính đúng sai của vạn vật cũng vậy.


Một người dắt tay ông cụ qua đường, một đứa con hành hạ mẹ già. Khi nhìn dưới con mắt đầy đồng cảm của ý thức, tính đúng sai hiện lên rất rõ ràng. Nhưng vũ trụ làm gì có đúng sai?

Tôi không nói giúp người già, hành hạ mẹ già là đúng hay sai dưới mặt đạo đức (điều này quá rõ ràng rồi!). Tôi đang nói dưới góc nhìn bản chất, hai việc này đều giống nhau, đều không hề đúng hoặc sai.

Vũ trụ, vật chất không tồn tại tính đúng sai bên trong chúng, luật nhân quả cũng từ đó mà tan biến theo.

Nếu không có đúng sai thì gieo nhân lành là gì? Gặt quả tốt là gì? Chúng đều mất hết ý nghĩa.


Ở điều kiện thông thường, nước sẽ sôi khi đạt 100 độ C.

Người làm việc tốt sẽ được gặp điều lành.

Có vẻ hầu hết chúng ta bị mơ hồ giữa tính đúng sai về bản chất sự vật hiện tượng (true/false) và tính đúng sai trong đạo đức (right/wrong). Hiện tượng sôi, nhiệt độ là thứ có thật ngoài kia, mô tả được, nó tồn tại. Các khái niệm như tốt xấu, thiện ác hoàn toàn chỉ có trong ý thức của ta.

Nếu vẫn chưa thuyết phục, hãy thử cùng tưởng tượng một ngày nhân loại biến mất hết, không còn một ai trên mặt đất. Điều gì lúc này sẽ là sai? Điều gì sẽ là đúng? Ngay cả ngôn ngữ để miêu tả đúng và sai cũng mất tăm. Lũ sư tử vẫn cắn cổ hạ gục con mồi. Rắn vẫn mò vào tổ ăn từng quả trứng chuẩn bị chào đời. Những trận cháy rừng vẫn cứ thế thiêu sống mọi sinh vật.

Bạn có nghĩ lúc này vũ trụ vẫn ra sức giữ công bằng cho vạn vật? Hay ta lại cho rằng vũ trụ chỉ quan tâm tới con người thôi?


Căn nguyên

Dưới đây tôi sẽ nói về bốn căn nguyên cũng như lí do vì sao Luật nhân quả vẫn còn được nhiều người tin vào và duy trì đến ngày nay.

Bản năng

Loài người từ trước đến nay luôn nghĩ mình là tâm điểm của vũ trụ. Gần đây trên bầu trời Sài Gòn có xuất hiện đám mây ngũ sắc. Để ý thấy người dân mình vẫn xôn xao bàn tán về đám mây này mang lại điềm lành, điềm xấu. Mọi người kết luật rất tự tin nhưng chả ai có căn cứ.

Mây ngũ sắc

Đứng dưới mặt đất, nhìn lên cả một vũ trụ mênh mông.

Thay vì thấy mình nhỏ bé, ta nghĩ vũ trụ đang trình diễn cho mình xem.

Tôi cố tình nhắc đến đám mây này để liên hệ với luật nhân quả. Mọi sự kiện diễn ra trên dòng thời gian của vũ trụ cũng giống như đám mây này. Chỉ là một sự kiện. Cho đến khi nó được ghi nhận bởi con người, nhân vật lúc nào cũng nghĩ mình là khán giả đang được phục vụ.

Chúng ta có thói quen đặt ra ý nghĩa cho mọi thứ mình bắt gặp, điều đó giúp chúng ta sinh tồn. Một tiếng xào xạc trong bụi rậm, không đơn giản thế đâu, ắt phải có con hổ đang rình rập. Kẻ bỏ chạy lúc này sẽ có tỉ lệ sống cao hơn, nếu đó không phải con hổ, thì họ cũng chả sao. Nếu thật sự là thú dữ, người không nghi ngờ và ở lại coi như xong.

Thế là những kẻ nghi ngờ, giàu tưởng tượng sẽ sống sót, sinh sôi và duy trì giống nòi của mình. Tập tính đó vẫn còn trong chúng ta, tôi không nói đây là một thói quen xấu, nó giúp tổ tiên tôi và bạn sinh tồn mà!

Điều đó không có nghĩa là nó lúc nào cũng cần thiết. Đám mây ngũ sắc, sự trùng hợp về nghiệp báo cũng giống như tiếng xào xạc trong bụi rậm. Nó đơn thuần là một hiện tượng đang chờ chúng ta vẽ phần ý nghĩa còn lại.

Ông này hồi trước hay giết mổ heo, bây giờ ổng bệnh triền miên.

Chắc chắn phải có một vị thần, một thế lực nào đó đảm bảo điều này, bắt ông này phải trả nghiệp báo!


Thù hận

Một trong những lí do ra đời của Luật nhân quả là sự thù hận. Tôi thường thấy mọi người dùng Luật nhân quả như một lời chửi rủa, trù ẻo. Sẽ chẳng khó để bắt gặp những câu nói như sau:

Thằng đó trước sau gì cũng chịu nghiệp!

Nhân quả không chừa một ai, chờ đi con!

Luật nhân quả ở đây được dùng giống như một món vũ khí bằng ngôn từ. Khi chửi chưa đã, người ta chuyển sang rủa. Như đặt một lời nguyền cho tương lai của đối phương. Còn khi gặp người đang trả hậu quả cho việc làm ác trong quá khứ, Luật nhân quả thành lời lăng mạ đầy hả hê.

Đáng đời con này, sống ở đời gieo nhân nào gặp quả nấy nha con!

Hồi đó ăn ở tốt thì giờ đâu có vậy!

Tất nhiên chả có gì tốt đẹp khi dùng một thứ luật hư cấu chỉ để chửi rủa người khác. Quan niệm của tôi là dù ai có làm sai thì ta cũng không có quyền chửi rủa họ. Vì nếu có cùng một quá khứ, tuổi thơ, cuộc đời, chắc hẵn ta cũng sẽ làm y hệt họ.

Tôi cho rằng những tội phạm nên được cách ly khỏi xã hội để ngăn họ tiếp tục hại người khác. Nhưng không có nghĩa là ta có quyền chửi rủa, lăng mạ họ. Vấn đề này tôi đã nói kĩ hơn ở bài viết Diệt những thù hận.


Trấn an

Một nguyên nhân ra đời khác của Luật nhân quả là để thỏa mãn nhu cầu được an tâm của chúng ta. Khi cực khổ, Luật nhân quả sẽ đảm bảo tương lai bạn được bù đắp. Tại sao ư? Vì đó là luật chúng ta đặt ra, và nó phải đúng chứ!

Đối với tôi đây là một dạng tích cực độc hại (toxic positivity). Kỳ vọng vào một điều không có gì đảm bảo chỉ khiến bạn có thêm cơ hội để phải thất vọng. Đồng thời điều này sẽ đặt ý thức của ta vào tương lai, một nơi không có thật!

Hôm nay cực khổ chắc chắn ngày mai tôi sẽ được êm ấm.

Cố lên, mọi thứ ta làm hôm nay đều sẽ được bù đắp trong tương lai!

Khi đầu óc đầy những lời động viên vô căn cứ và mơ hồ, sự tập trung của ta cũng sẽ bị phân tán theo. Khi cứ nghĩ về một tương lai tươi đẹp hơn hiện tại, ta sẽ quên đi những cái đẹp (có thể là hiếm hoi) của giây phút hiện tại. Cứ thế, sẽ có lúc ta quên rằng chính hiện tại là thứ trong tầm kiểm soát, tương lai thì không ai biết được.

Lúc này chúng ta sẽ chỉ quan tâm tới kết quả của hành động của mình. Đối với tôi, những phút giây không nghĩ về hiện tại là những phút giây chết của cuộc đời. Có thể bạn sẽ liên hệ và nghĩ rằng tôi đang khinh rẻ việc lên kế hoạch. Không không!!!

Cho dù có lên kế hoạch cho tương lai, cũng phải kết lại bằng câu hỏi "vậy bây giờ chúng ta có thể làm gì?". Hay nói cách khác, đối với tôi mục đích của việc lên kế hoạch là rất quan trọng và là để nhìn ra việc cần làm ở hiện tại.

Tôi rất đồng cảm với những người đang cực khổ và không mong gì hơn có một ngày được đền đáp. Có thể tôi chưa khổ tới mức vô vọng, nhưng cũng từng có lúc chỉ mong đến một ngày mai tốt đẹp hơn. Bạn có thể xem tôi như thằng dạy đời và tỏ ra cao thượng nhưng thật sự, hãy chú tâm vào hiện tại.

Dù nó có khó khăn cũng đừng quá mơ mộng một ngày tương lai. Hãy cứ chuyên tâm vào những việc cần làm và trong khả năng. Cố hết sức đừng trông đợi vào một ngày mai tươi đẹp. Có thể đó là một nguồn năng lượng cho tâm trí, nhưng nó không phải "nguồn năng lượng sạch" đâu.


Ích kỷ

Đây là một lí do chắc hầu hết ai cũng một lần nghĩ đến. Luật nhân quả thường xuyên là nguồn cơn của những chuyến từ thiện (tôi không nói tất cả). Có những người giúp người khác không phải vì đồng cảm, yêu thương, mà giống một cuộc đầu tư. Ta không đơn thuần giúp người, ta đang góp vốn vào một thương vụ mà khoảng lời ở đây là sự sung túc, khỏe mạnh, bình an trong tương lai.

Cố gắng cho đi rồi sẽ có ngày được đền đáp.

Ở hiền gặp lành.

Đừng làm ác, sẽ có một ngày phải trả nghiệp đấy!

Câu hỏi đặt ra ở đây là "nếu chắc chắn sẽ không được lợi, ta có còn giúp người không?", hoặc là "nếu sẽ không bị trừng phạt, bạn sẽ vẫn tránh xa việc xấu chứ?". Những câu hỏi này giúp ta đào sâu vào căn nguyên của lòng tốt.

Tôi nghĩ động cơ để giúp người khác phải là vì ta muốn giúp họ, muốn cuộc sống, tâm trạng, hoàn cảnh họ được tốt đẹp hơn. Việc giúp người hay sống thiện không nên chỉ vì sẽ được lợi trong tương lai.

Một lần nữa tôi phải minh oan trước, tôi không nói việc làm từ thiện hay giúp người chỉ vì mong được đền đáp là xấu, là không nên. Tôi đang nói về phần động cơ, chứ không phải kết quả, phải phân định rõ hai đối tượng được nói đến ở đây. Tất nhiên dù động cơ có là gì thì kết quả vẫn là người được giúp sẽ được giúp. Nhưng đào sâu về phần động cơ sẽ thấy điều thú vị và đáng nói.

Khi ta làm từ thiện vì thật sự ta thương cảm cho người khác, việc làm đó sẽ xuất phát từ tình yêu thương. Mà đã là yêu thương thì sẽ không chi li tính toán. Mục tiêu lúc này xuất phát từ nỗi khổ của người khác, ta đặt góc nhìn của mình vào góc nhìn của họ. Dần dần mỗi cá nhân sẽ xây cho mình một tư duy sống vì người, rộng lượng và nhân ái. Một xã hội nếu ai cũng vậy thì sẽ hòa đồng, công bằng, văn minh.

Ngược lại, khi mọi việc giúp người hay sống tốt đều xuất phát từ lòng tham. Xã hội từ những cá nhân như vậy sẽ đầy rẫy hơn thua, tính toán, giành giật và ích kỷ. Kể cả việc sống tốt thôi cũng đậm màu vị kỷ, cá nhân. Dần dần tính cá nhân sẽ càng lớn lên và Luật nhân quả là thứ đã duy trì ngọn lửa này. Lỡ mà mất đi thứ gọi là Luật nhân quả, những người này sẽ chả thèm làm thiện hay sống tốt nữa.

Có trường hợp bạn làm việc thiện và cố sống tốt vì cả hai lí do trên. Cảm thấy thương người và đồng thời cũng mong sẽ được lợi lộc. Tôi thật lòng mong mình có thể thuyết phục bạn bỏ hẳn lí do thứ hai. Hãy để lòng tốt làm tròn bổn phận của nó và dập tắt ngọn lửa ích kỷ bên trong mình.

Đối với tôi

Tôi xem những sự kiện mọi người đưa ra làm căn cứ cho luật nhân quả đơn thuần là những trùng hợp, không hơn không kém. Bởi tôi không thấy một điều gì đảm bảo nó sẽ luôn đúng. Tôi nghĩ một thứ đã gọi là luật thì phải luôn đúng, có lúc đúng lúc sai thì thà đừng đặt ra để trở thành niềm tin mù quáng.

Tưởng tượng bây giờ tôi đặt ra một luật gọi là Luật cờ bạc. Luật này nói rằng có chơi cờ bạc chắc chắn sẽ có ngày giàu to. Bạn hỏi tôi có gì chứng minh không. Tôi đưa ra vài ví dụ những người từng thắng bạc và thành công. Bạn sẽ hỏi "nhưng đâu phải ai chơi cờ bạc cũng thắng?". Ngay lập tức, tôi sẽ chẳng còn đường lui và phải thừa nhận "Luật cờ bạc" mình vừa đưa ra chỉ là nhảm nhí.

Một điều tích cực duy nhất tôi học được từ luật nhân quả đó là hãy để ý những việc mình làm. Một góc nhìn thực tế hơn về luật nhân quả, góc nhìn tương tự nước đun đến 100 độ sẽ sôi. Thay vì nghĩ mình bị nghiệp quật, hãy ngồi xâu chuỗi từng sự kiện dẫn đến điều tiêu cực ngày hôm nay mình gặp phải.

Thay vì "sống tốt để được điều lành", tôi sẽ nhắc bản thân hãy nghĩ đến hậu quả một cách thực tế. Nếu chạy xe ẩu thì dễ gây tai nạn, chơi với bạn bè xấu thì dễ bị ảnh hưởng…​ Mọi thứ chỉ cần có vậy, không cần phải phức tạp hóa, áp lên mình một quy luật gì. Giữ con tim trong lòng ngực và lí trí ở trên đầu.

Không mù quáng làm theo bản năng, không thù hận, không mơ mộng vô căn cứ và không giúp người vì ham muốn cho tương lai. Giữ mọi thứ đúng với bản chất của nó và nhìn đời một cách rõ nhất có thể!

Ngày 18 tháng 6, 2024

#thoughts

Tìm kiếm